Ngôn ngữ

2020 - 2025 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: DAI GLOBAL, LLC. | NGÂN SÁCH DỰ TRÙ: 36.274.960 ĐÔ LA

Mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên và quản lý rừng sản xuất chưa hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Dự án Quản lý rừng bền vững do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ góp phần giải quyết vấn đề này thông qua các hoạt động phục hồi và bảo tồn tài nguyên rừng tự nhiên và cải thiện công tác quản lý rừng sản xuất.

TĂNG CƯỜNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ RỪNG CỘNG ĐỒNG 

Dự án hợp tác với Chính phủ Việt Nam, Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) cùng các chủ rừng nhằm xây dựng và triển khai các mô hình quản lý rừng cộng đồng hiệu quả.

THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP THÂN THIỆN VỚI BẢO TỒN TẠI CÁC CỘNG ĐỒNG SỐNG PHỤ THUỘC VÀO RỪNG 

Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn tại các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng nhằm giảm áp lực từ cộng đồng lên tài nguyên rừng. 

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THỰC THI PHÁP LUẬT 

Dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường khung pháp lý về bảo vệ rừng, xác định và khắc phục những rào cản trong công tác thực thi pháp luật hiệu quả về lâm nghiệp, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, thúc đẩy tự quản tại cộng đồng và nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn trong giám sát và xử lý các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

CẢI TIẾN CÁC THỰC HÀNH QUẢN LÝ RỪNG SẢN XUẤT

Bên cạnh hỗ trợ cho các hợp tác xã đang hoạt động, dự án giúp đưa các hộ sản xuất và chế biến gỗ quy mô nhỏ ở các tỉnh mục tiêu tham gia vào mô hình hợp tác xã và cung cấp tập huấn cho họ về các kỹ thuật sản xuất và chế biến gỗ bền vững. Dự án hỗ trợ các hợp tác xã tăng khả năng tiếp cận thị trường thông qua tạo thuận lợi cho thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ bền vững. Đồng thời, dự án cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật quản lý rừng bền vững cho các chi cục kiểm lâm và các ban quản lý rừng phòng hộ.

HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC TRONG NƯỚC CHO QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG

Chính sách Chi trả Môi trường rừng (PFES) của Việt Nam được xây dựng và triển khai từ năm 2008 với sự hỗ trợ của USAID. Kể từ năm 2011, PFES đã đóng góp vào ngân sách ngành lâm nghiệp hơn 1 tỷ đô la cho công tác bảo tồn hơn 40% diện tích rừng Việt Nam. Chính sách PFES đã thu hút gần 500.000 hộ gia đình sống gần rừng tại các khu vực đầu nguồn lưu vực sông tham gia nhận khoán bảo vệ rừng nhằm cung cấp các dịch vụ môi trường rừng ở vùng hạ lưu. Các hộ dân này được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ môi trường rừng, chẳng hạn như cung cấp nguồn nước sạch và đủ. Bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả thông qua chính sách PFES đã giúp Việt Nam hấp thụ và lưu giữ khoảng 20 triệu tấn các-bon mỗi năm. 

Dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, khối tư nhân và các chủ rừng địa phương mở rộng thực thi chính sách PFES và xây dựng một cơ chế cho phép các công ty gây phát thải khí nhà kính phải phù đắp lượng khí thải thông qua đầu tư vào các dự án trồng phục hồi rừng để hấp thụ lượng các-bon đã thải ra.

TÁC ĐỘNG

Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực về quản lý rừng bền vững và phát triển sinh kế cho 25.000 người và 70 tổ chức, hỗ trợ 35 doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn và góp phần cải thiện sinh kế cho hơn 60.000 người dân sống phụ thuộc vào rừng, huy động ước tính 12,5 triệu đô la cho công tác quản lý rừng bền vững từ các doanh nghiệp thu mua và sản xuất cây dược liệu, quế và gỗ.

Tựu chung lại, các hoạt động của dự án góp phần cải thiện công tác quản lý hơn 260.000 ha diện tích rừng, góp phần giảm ít nhất 7,8 triệu tấn CO2 mỗi năm. Bên cạnh đó, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng 34 chính sách cấp trung ương và địa phương về sử dụng rừng bền vững và khi được đưa vào thực thi, các chính sách này sẽ giúp giảm thêm 45,6 triệu tấn phát thải các-bon mỗi năm.

ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

Dự án được triển khai tại 07 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị và Quảng Nam.

Share This Page