Ngôn ngữ

USAID đang hỗ trợ hiện đại hóa giáo dục y khoa ở Việt Nam như thế nào

 

Một sinh viên y khoa đang ngồi lắng nghe và ghi chép khi bệnh nhân mô tả các triệu chứng gặp phải. Họ ngồi đối diện nhau trong một nơi trông giống như phòng tư vấn của bác sĩ, nhưng đây không phải là phòng tư vấn thông thường. Phía trên tường là thiết bị ghi lại mọi lời nói và hành động của sinh viên cùng bệnh nhân và được kết nối tới phòng quan sát, nơi các giảng viên sẽ xem. Đây trông giống một hoạt động thẩm vấn của cảnh sát nhưng thực tế lại là một lớp học - một trong những kỹ thuật giảng dạy sáng tạo đang được sử dụng tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Với hỗ trợ của USAID, Đại học Y Dược TP. HCM mới đây đã đổi mới chương trình đào tạo y khoa hệ đại học sang chương trình đào tạo dựa trên năng lực, lấy sinh viên làm trung tâm, ưu tiên phương pháp học tập tích cực hơn là phương pháp tiếp thu thụ động, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người bệnh nói riêng và xã hội nói chung.

Student Practice Consultation room
Faculty Watching Student in Consultation Room

Đi đầu trong hoạt động đổi mới này là bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y, Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản. Bác sĩ Lan đã bén duyên với y khoa từ khi còn nhỏ. Cả cha mẹ bác sĩ đều từng theo học tại ĐH Y Dược TP.HCM và niềm yêu thích lĩnh vực Sản khoa của bác sĩ Lan bắt nguồn từ việc được tới chỗ làm của mẹ và quan sát bà làm việc với bệnh nhân. Việc sớm tiếp xúc với thế giới y khoa đã truyền cho bác sĩ Lan niềm đam mê sâu sắc với công việc điều trị cho bệnh nhân, đưa bà trở thành một trong những bác sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam và là bác sĩ trong êkíp thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam.

Với những tiến bộ công nghệ mới trong ngành y và trước những mối đe dọa sức khỏe khó lường, giáo dục y khoa ở Việt Nam cần thích ứng và đổi mới để đảm bảo các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. ĐH Y Dược TP.HCM đã bắt đầu hành trình này vào năm 2016 khi cùng với 5 trường đại học y khác của Việt Nam tham gia Liên minh IMPACT-MED do USAID tài trợ được Trường Y Harvard triển khai. Liên minh này quy tụ sự tham gia của nhóm đối tác đa dạng bao gồm các trường đại học, các đối tác trong khu vực công và tư để đào tạo và xây dựng một đội ngũ cán bộ y tế có chất lượng và hiệu quả tại Việt Nam với khả năng đáp ứng với các nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong thế kỷ 21.

“Sinh viên sẽ có cảm giác như đang làm việc trực tiếp với bệnh nhân trong môi trường thực tế. Đôi khi các em còn quên mất việc mình đang được các thầy cô quan sát”, bác sĩ Lan nói về phòng thực hành tư vấn. Nhà trường đánh giá cao phương thức học tập thực tế này khi các sinh viên được tạo điều kiện để làm việc với bệnh nhân vào năm thứ hai đại học, sớm hơn một năm so với trước đây. Trước đây, phương thức học tập thường là giáo viên truyền thụ kiến thức cho sinh viên. Giờ đây, sinh viên có thể truy cập các bài giảng trực tuyến trước giờ học và thời gian học trên lớp được chia theo các nhóm nhỏ để thảo luận về cách áp dụng nội dung học vào các trường hợp lâm sàng thực tế. Tại ĐH Y Dược TP.HCM, chăm sóc sức khỏe được giảng dạy như một lĩnh vực tổng hợp. Ví dụ, một khóa học về sức khỏe sinh sản sẽ thu hút sinh viên của cả các bộ môn mô phôi và giải phẫu bệnh. Và rồi, mối quan tâm mới đã xuất hiện, đó là nhận phản hồi từ cả các giảng viên và sinh viên để chương trình giảng dạy có thể đáp ứng, phù hợp và phát triển theo thời gian.

Phòng làm việc của tôi luôn mở cửa. Sinh viên có thể ghé vào và đặt câu hỏi hoặc xin lời khuyên bất cứ lúc nào”, Tiến sĩ Lan nhận xét về tầm quan trọng của việc phản hồi.
Group Classroom Work

 

Từ năm 2016 đến năm 2022, USAID đã hỗ trợ đổi mới giáo dục y khoa tại 5 trường đại học y, đổi mới chương trình giảng dạy từ cách tiếp cận nặng về lý thuyết và tiếp thu kiến thức thụ động sang chương trình toàn diện, dựa trên năng lực trong đó tích hợp kiến thức y khoa, kỹ năng lâm sàng và chuẩn chuyên môn. Phát huy thành công này, Liên minh đã mở rộng bao gồm thêm 5 trường đại học vào năm 2022.

Những nỗ lực đổi mới đang dần được đền đáp. Tháng 11/2022, khóa đầu tiên gồm 372 sinh viên học theo chương trình mới đã tốt nghiệp với 97% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm. Thành công của nhà trường đã khởi đầu xu hướng ở các trường y khác khi họ cũng xem xét lại chương trình đào tạo và thực hiện đổi mới. ĐH Y Dược TP. HCM đang trực tiếp tư vấn cho Đại học Y Dược Cần Thơ (đại học y hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long) đổi mới chương trình đào tạo. Đối với Tiến sĩ Lan, trách nhiệm của bà và ĐH Y Dược TP. HCM là hỗ trợ các trường khác.

“Chúng tôi đã nhận được hỗ trợ và bây giờ chúng tôi cần phải đi hỗ trợ những đơn vị khác. Chúng tôi đánh giá nhu cầu và nguồn lực của nhà trường, sau đó cùng thảo luận về những giải pháp cần thiết để đổi mới chương trình đào tạo ở ĐH Y Dược Cần Thơ.”

Student Working With Practice Patient
Student Working With Practice Patient

Đến năm 2026, với hỗ trợ của USAID, 10 trường đại học y hàng đầu của Việt Nam, đại diện cho 1/3 tổng số trường đại học y cả nước, sẽ triển khai chương trình giáo dục y khoa đổi mới hệ đại học kéo dài 6 năm dành cho bác sĩ đa khoa và 6 trường sẽ thực hiện chương trình đào tạo bác sĩ nội trú về ngoại tổng quát và nội khoa, mang lại lợi ích cho tổng cộng 18.000 sinh viên y khoa và bác sĩ nội trú. Hơn 4.000 giảng viên sẽ được đào tạo về phương pháp giáo dục mới. “Chương trình đào tạo sẽ mang đến một thế hệ bác sĩ năng động mới. Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy đến, chúng tôi hy vọng rằng các bác sĩ có thể thích ứng với những tình huống mới và quan trọng là họ sẵn sàng để thích ứng.” Tiến sĩ Lan chia sẻ: “Chúng tôi khuyến khích sinh viên học tập suốt đời vì thông tin đang thay đổi nhanh chóng. Chúng tôi dạy các em cách học.”

 

Tác giả: Benjamin Ilka là chuyên gia truyền thông qua kể chuyện và hình ảnh tại USAID Việt Nam.

 

Share This Page