Ngôn ngữ

USAID hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi rừng từ nguồn carbon trở thành bể chứa carbon

Sau ba giờ đồng hồ đi bằng ô tô từ Hà Nội, bạn sẽ đến với Thanh Hóa – một tỉnh với nhiều huyện miền núi. Toàn tỉnh có khoảng 600 nghìn hecta rừng và thôn Pà Ban nằm ẩn trong những khu rừng. Người dân sống ở Pà Ban là người dân tộc Mường và đã sống dựa vào tài nguyên rừng qua nhiều thế hệ. Kể từ năm 2013, họ đã sử dụng và bảo tồn bền vững các khu rừng xung quanh nơi sinh sống theo cơ chế Chi trả Dịch vụ Môi trường Rừng (PFES) - một chương trình sáng tạo được USAID hỗ trợ kể từ khi khởi xướng và được Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện. Theo chính sách PFES, những người sử dụng tài nguyên rừng ở hạ nguồn sẽ chi trả kinh phí cho các cộng đồng ở thượng nguồn để bảo tồn tài nguyên, qua đó tạo động lực cho hơn 500.000 hộ gia đình nông thôn ở các vùng thượng nguồn miền núi tham gia bảo vệ các khu rừng.

 

Photo
USAID_Forest_Patrol_Pa_Ban_41.jpeg

Trên thế giới, mất rừng, suy thoái rừng và quản lý rừng trồng gỗ chưa hiệu quả đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người và môi trường. Điều này đang gây tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái quan trọng và làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Để thúc đẩy bảo tồn rừng, USAID đã hỗ trợ chính sách PFES của Việt Nam từ năm 2008. Thông qua các khoản chi trả từ các doanh nghiệp và cơ sở được hưởng lợi từ các dịch vụ môi trường rừng, chẳng hạn như cung cấp đủ nước sạch, cộng đồng đang đóng vai trò tích cực trong công tác quản lý rừng.

USAID_Forest_Patrol_Pa_Ban_15.jpeg
USAID_Forest_Patrol_Pa_Ban_27.jpeg

Tại thôn Pà Ban và nhiều thôn khác đang triển khai PFES, công việc giám sát và bảo tồn các khu rừng này được thực hiện thông qua các buổi tuần tra rừng quy mô nhỏ do cộng đồng dẫn dắt. Ông Lương Văn Thập, Tổ trưởng Tổ tuần tra bảo vệ rừng thôn Pà Ban, cùng 12 thành viên cộng đồng khác thực hiện tuần tra thường xuyên khu rừng cộng đồng nơi họ sống có tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và đóng vai trò là vùng đệm trước sự xâm lấn do các hoạt động phá hoại của con người. Các đội tuần tra khởi hành vào sáng sớm vài lần trong tháng và dành cả ngày đi bộ trên những con đường hẹp, lầy lội để tìm kiếm bất kỳ dấu vết khai thác gỗ hoặc săn trộm trái phép nào. Nếu tìm thấy dấu vết, họ sẽ chụp ảnh và nhập thông tin vào ứng dụng định vị địa lý. Khi trở về Pà Ban, họ thông báo với chính quyền địa phương. Vì sự an toàn của bản thân, trừ khi đang đi tuần tra cùng với kiểm lâm, tổ tuần tra cộng đồng sẽ không được bắt giữ người vi phạm tại hiện trường.

 

Photo
USAID_Forest_Patrol_Pa_Ban_05

Trước đây, phụ nữ không được làm công việc này, tuy nhiên trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ cộng đồng của USAID nhằm mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, giờ đây, mỗi đội tuần tra đều có phụ nữ và nam giới đảm nhận trách nhiệm như nhau trong công tác bảo tồn rừng nơi họ sinh sống.

Chị Ngân Thị Lòng chia sẻ: “Chúng tôi rất yêu rừng. Rừng có rất nhiều tài nguyên như cây dược liệu, cây tre và măng. Giờ đây, qua các cuộc tuần tra, chúng tôi có thể chia sẻ cho những người khác trong cộng đồng về tầm quan trọng của rừng và cách khai thác tài nguyên rừng bền vững”.

USAID_Forest_Patrol_Pa_Ban_33.jpeg

Cộng đồng có thể tự quyết việc sử dụng các khoản thu này miễn là họ tiếp tục bảo vệ và bảo tồn rừng của mình. Một số cộng đồng chọn cách phân bổ một phần cho mỗi hộ gia đình trong khi những cộng đồng khác tập hợp nguồn lực để tài trợ cho các dự án của cả cộng đồng. Pà Ban phân bổ tới 30% tiền PFES hàng năm cho các hoạt động tuần tra và bảo vệ rừng. Nguồn kinh phí mà Pà Ban nhận được dùng để tài trợ cho các dự án hạ tầng tại địa phương và các lễ hội văn hóa trong cộng đồng.

Photo
USAID_Forest_Patrol_Pa_Ban_18.jpeg

“Trước đây chúng tôi thiếu nước uống và nước cho sản xuất nông nghiệp. Bây giờ, nhờ bảo vệ rừng nên chúng tôi có đủ nước sạch. Cộng đồng giờ đây đã hiểu được giá trị của rừng và sự cần thiết phải bảo vệ rừng. Ngoài ra, vì chúng tôi nhận được tiền từ PFES nên chúng tôi không còn chỉ dựa chủ yếu vào lâm sản nữa, điều này giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến rừng.”, ông Lương Văn Thập chia sẻ.

Chính sách PFES góp phần giúp Việt Nam giảm 20 triệu tấn CO2 phát thải mỗi năm, tương đương với việc loại bỏ hơn 4,7 triệu ô tô chạy trên đường trong một năm. Kể từ năm 2011, PFES đã tạo ra hơn 1 tỷ đô la cho các cộng đồng này. Cùng với PFES, USAID hỗ trợ các cộng đồng này thành lập các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn thông qua sử dụng tài nguyên rừng ngoài gỗ, thành lập các ban quản lý rừng cộng đồng theo thôn/bản, trao quyền cho các cộng đồng để họ dẫn dắt các nỗ lực bảo tồn. Thông qua quan hệ đối tác về thích ứng với khí hậu, năng lượng tái tạo, bảo tồn đa dạng sinh học và các giải pháp khí hậu dựa vào tự nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Photo
USAID_Forest_Patrol_Pa_Ban_13.jpeg
Photo
USAID_Forest_Patrol_Pa_Ban_48.jpeg
Photo
USAID_Forest_Patrol_Pa_Ban_38_0.jpeg

ABOUT THE AUTHOR: Benjamin Ilka is a storyteller and visual media specialist at USAID’s Mission in Vietnam.

Share This Page