Ngôn ngữ

Ớt A Riêu nhỏ, cay, có hương vị thơm ngon và là giống ớt bản địa có giá trị cao ở khu vực miền núi huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam. Mặc dù việc trồng loại ớt này có thể đem lại nguồn sinh kế ổn định cho cộng đồng người dân tộc Cơ Tu sinh sống tại Đông Giang, nhưng cho đến nay, họ vẫn thiếu kiến thức kỹ thuật và nguồn vốn cần thiết. Trong năm 2018, Dự án Trường Sơn xanh của USAID đã phối hợp với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mà Cooih (HTX Mà Cooih) hỗ trợ các cộng đồng người dân tộc Cơ Tu sinh sống ở bảy ngôi làng thuộc huyện Đông Giang trồng loại ớt có giá trị này.

Ngày 30/6, USAID và HTX Mà Cooih đã tổ chức hội thảo tổng kết với các lãnh đạo địa phương và 120 hộ gia đình nhằm đánh giá kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện khoản tài trợ nhỏ này. Nhờ kết quả hợp tác, hơn 24 hecta ớt A Riêu đã được trồng, các cộng đồng người Cơ Tu cũng được nâng cao năng lực thông qua tập huấn cho hơn 170 người (trong đó có hơn 75% là phụ nữ) về các chủ đề như trồng, thu hoạch, chế biến và tiếp thị ớt; ban quản trị HTX đã thu hút được nhiều thành viên tham gia hơn và đã xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm. Dự án Trường Sơn xanh cũng hỗ trợ HTX tham gia vào ba hội chợ thương mại, giúp các thành viên bán được khoảng 1.500 túi ớt đã chế biến, thu về hơn 45 triệu đồng (khoảng 2.000 đô la). Những nỗ lực này đã giúp tăng thu nhập và dự kiến thu nhập sẽ tiếp tục tăng hơn nữa khi giống ớt này trở nên phổ biến.

Hoạt động này có ý nghĩa gì? Hỗ trợ của USAID trong việc nâng cao năng lực và phát triển doanh nghiệp cho các cộng đồng người dân tộc Cơ Tu đang góp phần cải thiện cơ hội kinh tế cho những cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.