Ngôn ngữ

Chị Điểu Thị Trang là người dân tộc Châu Mạ sinh ra và trưởng thành ở khu vực Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, Tây Nguyên, Việt Nam. Từ khi còn nhỏ đến nay đã kết hôn và có hai con, nguồn thu nhập của chị Trang và gia đình vẫn dựa vào rừng Cát Tiên. Nhằm giảm phụ thuộc vào rừng và khuyến khích thành viên các cộng đồng sống dựa vào rừng tham gia vào hoạt động bảo vệ rừng bền vững tại nơi sinh sống, năm 2010 Chính phủ Việt Nam đã đưa vào triển khai hệ thống chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES). Theo quy định của hệ thống này, các công ty thủy điện sẽ trả cho thành viên các cộng đồng sống dựa vào rừng, giống như gia đình chị Trang, tiền bảo vệ các lưu vực sông để đảm bảo các công ty này có nguồn cung nước ổn định cho hoạt động sản xuất điện. Đối với trường hợp của chị Trang, gia đình chị đã nhận gần 1.100 đô la (tương đương khoảng 24 triệu đồng) mỗi năm thông qua hệ thống PFES cho việc bảo vệ và chăm sóc các khu rừng tại Cát Tiên.

Trước đây, việc thanh toán thường được thực hiện bằng tiền mặt khiến cho quy trình giải ngân gặp rủi ro và đôi khi khá tốn công sức. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Long, Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên: “Việc thanh toán bằng tiền mặt rất phức tạp, tốn thời gian và thiếu minh bạch. Điều này gây khó khăn cho cả người trả và người nhận.” Nhằm giải quyết những khó khăn này, ông Long cùng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng - cơ quan cấp tỉnh quản lý PFES - đã khai thác ý tưởng về thanh toán điện tử bằng điện thoại di động và ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động ViettelPay. Nhờ hỗ trợ từ dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) do USAID tài trợ, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng đã thí điểm thanh toán điện tử đối với các dịch vụ môi trường rừng ở ba huyện.

Chương trình thí điểm thanh toán điện tử ở tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng cho thấy những lợi ích so với việc thanh toán bằng tiền mặt khi giúp tăng cường tính minh bạch, tính chính xác, nhanh chóng và an toàn. Nhiều người nhận thanh toán đã thể hiện mong muốn được tiếp tục sử dụng hình thức chi trả này. Việc loại bỏ nhu cầu rút, phân phối và giám sát hoạt động chuyển tiền đã giúp làm giảm đáng kể khối lượng công việc của nhân viên Quỹ BV&PTR và Vườn quốc gia, thời gian chuyển tiền đã giảm từ vài tuần xuống còn vài phút ở những vùng sâu vùng xa. Ông Long cho biết thêm: “Người dân địa phương rất vui mừng khi nhận được tiền theo hình thức điện tử trước kỳ nghỉ Tết vì họ nhận được tiền nhanh hơn nhiều và có thể chuẩn bị cho Tết. Là những cán bộ của Quỹ BV&PTR, chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng khi không còn phải lo lắng về việc mất tiền hoặc là mất thời gian nhiều tháng để hoàn tất quy trình chi trả.”

Hoạt động thí điểm thanh toán điện tử PFES đã thành công không chỉ bởi công nghệ mới giúp tối ưu hóa quy trình chi trả mà còn nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác. Dự án VFD đã tập huấn cho nhóm cốt cán của Quỹ BV&PTR, các nhân viên của Viettel và các Vườn quốc gia cũng như nhiều thành viên cộng đồng. Sau khóa tập huấn tăng cường kết hợp lý thuyết, thực hành và kỹ năng mềm, những nhóm cốt cán này sẽ trở thành các tập huấn viên chính hỗ trợ người dân địa phương tiếp cận thanh toán điện tử.

Đầu năm 2019, dự án VFD đã mời chị Trang tham gia khóa tập huấn về phương pháp điện tử mới để nhận chi trả từ PFES. Ban đầu, chị Trang đã khá hồi hộp vì nghĩ việc nhận tiền qua điện thoại di động sẽ phức tạp hơn và đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt. Nhờ sự khích lệ từ cơ quan chính quyền địa phương, chị đã tham gia tập huấn. Sau ngày tập huấn đầu tiên, chị Trang đã nhận ra rằng việc nhận thanh toán thật đơn giản và nhanh chóng, thậm chí là bằng chiếc điện thoại di động cũ và tính năng cơ bản của mình. Chị không còn lo lắng về việc nhận nhầm hay thiếu tiền giống như việc chi trả bằng tiền mặt, chị cũng thấy rằng việc sử dụng thanh toán điện tử là phương thức an toàn và dễ dàng để chuyển tiền và mua hàng.

Chị Trang là học viên chủ động tham gia tập huấn nên đã được chọn người dân địa phương. Với kinh nghiệm và kiến thức thực tế về văn hóa địa phương, chị Trang không gặp khó khăn khi phổ biến những lợi ích về thanh toán điện tử cho thêm 12 hộ gia đình và giúp họ sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động.

Bây giờ, khi thành viên cộng đồng gặp khó khăn khi nhận thanh toán từ hệ thống PFES hoặc cần giúp đỡ với quy trình thanh toán điện tử, họ sẽ tới gặp chị Trang. Chị đã làm việc chăm chỉ để chuẩn bị tập huấn cho các thành viên cộng đồng mình và hiện tại chị rất tự tin với khả năng của mình và tự hào khi được giúp đỡ cộng đồng.

Dựa trên thành công của chương trình thí điểm thanh toán điện tử cho các dịch vụ môi trường rừng, Quỹ BV&PTR sẽ mở rộng triển khai hoạt động này và dự án VFD của USAID sẽ tiếp tục cung cấp tập huấn và hỗ trợ bổ sung trên khắp địa bàn tỉnh.

Image
Chị Điểu Thị Trang
Dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) do USAID tài trợ