Trong 10 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến tình trạng gia tăng đáng kể các hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp. Một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan thực thi pháp luật gặp khó khăn khi điều tra và tiến hành truy tố tội phạm về động vật hoang dã là thiếu các giám định ADN cần thiết để xác định các sản phẩm từ động vật hoang dã bị buôn bán hoặc săn bắt trái phép và nguồn gốc xuất xứ của chúng. Nhằm giải quyết vấn đề này, trong một năm qua, Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ đã hỗ trợ cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) thiết bị giám định AND động vật hoang dã đạt chuẩn quốc tế cũng như hỗ trợ kinh phí để thuê các chuyên gia, tập huấn cho họ về các kỹ thuật giám định ADN và mua các vật tư để thiết lập và vận hành phòng xét nghiệm.
Sau khi nhận được hỗ trợ, Viện đã thực hiện giám định ADN cho khoảng 30 mẫu vật theo yêu cầu của nhiều cơ quan thực thi pháp luật khác nhau của Việt Nam có liên quan đến các vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, bao gồm vụ bắt giữ 55 khúc sừng tê giác (có trọng lượng khoảng 126kg) được bọc ngụy trang bên ngoài bằng lớp thạch cao dày tại sân bay quốc tế Nội Bài vào tháng 7/2019. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã khẳng định những mẫu vật này là của loài tê giác châu Phi và giúp cung cấp đủ bằng chứng để Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội tiến hành truy tố. Vụ việc hiện đang được tiếp tục điều tra nhằm xác định các bên chịu trách nhiệm trước khi đưa ra xét xử.
Hoạt động này có ý nghĩa gì? Hỗ trợ của USAID đang giúp tăng cường hiệu quả công tác điều tra và truy tố tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam và hỗ trợ tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về giảm tội phạm môi trường xuyên quốc gia.