Ngôn ngữ

30-07-2020

Tính đến tháng 3/2020, Việt Nam ghi nhận 100 ca nhiễm đầu tiên từ khi bùng phát đại dịch do virus Corona chủng mới gây ra. Trong bối cảnh khó lường về diễn biến của đại dịch gây chấn động thế giới, Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt về phong tỏa và giãn cách xã hội đối với các doanh nghiệp cũng như với các trường học. Đây là giai đoạn xáo trộn và khó có định hướng rõ ràng mà các sinh viên phải rất nỗ lực để thích nghi với việc học tập trực tuyến và những bất ổn trong xã hội. Một số sinh viên thậm chí còn tìm cách nỗ lực vượt lên trên việc học trực tuyến bằng cách khởi xướng những dự án ​​có tiềm năng tác động tích cực, trong đó có Phan Thục Anh.

“Không ai trong chúng ta được chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với cuộc khủng hoảng này. Và cũng chẳng ai thực sự biết chính xác được ta phải làm gì. Nhưng em muốn đương đầu với thử thách to lớn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng COVID, và để hiểu sâu hơn về đại dịch này” - Thục Anh cho biết.

Cô sinh viên 20 tuổi này đang theo học tại Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) tại thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học khai phóng khoa học và kỹ thuật đầu tiên trên cả nước mà USAID là nhà tài trợ chính. Là một sinh viên đại học, Thục Anh chưa vội phải quyết định chuyên ngành, mà thay vào đó được khuyến khích khám phá sở thích của bản thân qua các môn học để có được kiến ​​thức toàn diện trước khi bắt đầu đi sâu vào chuyên môn. Điều tưởng chừng như bắt đầu chỉ là một ý tưởng mơ hồ muốn được hiểu thêm và giúp ích cho xã hội đã trở thành một đề án nghiên cứu nghiêm túc suốt hai tháng về hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội đối với việc giảm tỷ lệ lây nhiễm dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Đề án áp dụng các phương pháp mô hình hóa tiền nghiệm vào dữ liệu về các ca nhiễm được công bố ở Việt Nam để kiểm tra các kịch bản lý thuyết khác nhau trong đó giả sử các quốc gia đã thực hiện giãn cách xã hội trước hoặc sau thực tế từ một đến bốn tuần. Kết quả sơ bộ của nghiên cứu thí điểm này là mô phỏng về các biện pháp giãn cách xã hội và hiệu quả của chúng tại Việt Nam.

Dự án dài hạn này đòi hỏi Thục Anh phải bước ra khỏi vùng an toàn, vượt ra ngoài môn toán ưa thích của bản thân. “Do em không có kiến thức gì về COVID-19 từ trước, nên em đã phải học về mọi thứ: từ đặc tính sinh học của virus, cơ chế lây nhiễm, hệ miễn dịch của con người, tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa, cho đến xây dựng mô hình toán học và công tác thực thi chính sách” – Thục Anh chia sẻ. Đối với Thục Anh, dự án này cho thấy rõ sức mạnh của một nền tảng giáo dục liên ngành, giúp em không chỉ tìm hiểu được nguyên nhân gốc rễ của dịch bệnh và cơ chế quản lý một ổ dịch, mà còn tìm ra cách đối phó hiệu quả của các nhóm đối tượng khác nhau. 

Dự án của Thục Anh đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều giảng viên và những người dẫn dắt xuyên suốt các lĩnh vực và hoạt động đa dạng. Thầy Vincent Phạm từ văn phòng Tuyển sinh và Hỗ trợ Tài Chính của Fulbright đã giúp Thục Anh tinh chỉnh đề án. Tiến sĩ Samhita Raj, người đã thiết kế môn Sinh học về các bệnh truyền nhiễm trong học kỳ vừa rồi đã hướng dẫn em đến với những khía cạnh cụ thể của căn bệnh này để nghiên cứu. Graeme Walker, giảng viên cơ hữu của Fulbright về Kinh tế học Hành vi, đã gửi cho Thục Anh những tài liệu để tham khảo thêm. Thông qua mạng lưới học thuật mở rộng của Fulbright, Thục Anh còn có cơ hội trao đổi với chuyên gia y tế công cộng Sindhu Sarishvankar về nghề nghiệp của bà và gặp Tiến sĩ Marc Choisy, một nhà toán sinh học, để tìm hiểu về cách xây dựng các mô hình toán học.

[[nid:369561]]

“Dù lớn hay nhỏ, đề án này có thể đóng góp cho nhóm nghiên cứu về cách các chính sách quốc tế và chính sách của chính phủ có thể kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là đối với những người đang nghiên cứu về hiệu suất của chính phủ Việt Nam. Bên cạnh những phát hiện chính, đề án cũng cung cấp thông tin so sánh về một số mô hình can thiệp phi dược phẩm hiện có. Em hy vọng rằng xuất bản phẩm và quá trình học hỏi của em có thể thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận và nghiên cứu về các biện pháp can thiệp phi dược phẩm, thúc đẩy sinh viên Fulbright thực hiện nghiên cứu độc lập và tương tác nhiều hơn với cộng đồng học thuật, và quan trọng nhất là khuyến khích mọi người đương đầu với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào bằng những sáng kiến mang tính chất cộng đồng” – Thục Anh kết luận.

Image
Thục Anh trình bày nghiên cứu của mình tại lễ trao khoản tài trợ của USAID cho Đại học Fulbright Việt Nam vào tháng 6/2020.
FUV
Share This Page