Ngôn ngữ

3-04-2020

Theo một khảo sát người tiêu dùng do USAID thực hiện năm 2018, gần một nửa số người mua sản phẩm từ tê tê, voi và tê giác đều không hiểu rõ các hình phạt dành cho tội phạm động vật hoang dã quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi. Ngoài ra, sự tham gia của các lĩnh vực du lịch và thương mại điện tử trong hoạt động bảo vệ động vật hoang dã vẫn còn hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, Dự án Bảo tồn các loài hoang dã của USAID đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khởi động chiến dịch truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã nhằm phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này.

Trong khuôn khổ chiến dịch, các bảng quảng cáo ở sân bay Nội Bài - Hà Nội, cửa khẩu Móng Cái-tỉnh Quảng Ninh giáp với biên giới Trung Quốc, và các điểm nóng du lịch như Nha Trang và Đà Nẵng đều đăng tải thông tin về các mức hình phạt cao nhất đối với việc buôn bán, vận chuyển và tàng trữ động vật hoang dã bất hợp pháp: phạt tù lên đến 15 năm và phạt tiền đến 15 tỷ đồng (tương đương 630.000 đô la). Chiến dịch cũng thông qua các bản tin và sóng phát thanh để nâng cao nhận thức về nhu cầu bảo vệ động vật hoang dã cũng như thúc đẩy hành vi không tiêu thụ động vật hoang dã. USAID cũng đang phối hợp với các công ty du lịch tại Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh đưa thông tin lên các khung treo quảng cáo nhằm ngăn chặn nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, đồng thời tích hợp những thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã vào các tờ rơi đặt tour du lịch.

Hoạt động này có ý nghĩa gì: Giảm nhu cầu tiêu thụ là một chiến lược quan trọng để xóa bỏ nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp bằng cách giảm đi động lực về kinh tế của những kẻ săn bắt và buôn bán bất hợp pháp. Hỗ trợ của USAID về thay đổi hành vi xã hội ở các cấp độ và lĩnh vực khác nhau sẽ giúp đảm bảo giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về giảm thiểu tội phạm môi trường xuyên quốc gia.

Share This Page