Ngôn ngữ

Chiến lược Hợp tác Phát triển Quốc gia tại Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 -

- Bản tóm tắt mở rộng- 

Mục tiêu đề ra trong Chiến lược của USAID Việt Nam là hướng đến “Một Việt Nam cởi mở, thịnh vượng và an toàn; giải quyết hiệu quả và bao trùm các thành phần đối với các thách thức phát triển của đất nước.” Mục tiêu đầy tham vọng này hỗ trợ Hành trình tiến tới tự lực (J2SR) và Tầm nhìn Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, đặc biệt là thông qua sự tham gia ngày càng nhiều hơn của Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân và các tổ chức trong nước cùng nhau giải quyết những thách thức phát triển của quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, USAID Việt Nam sẽ tập trung vào những lĩnh vực phát triển sau: năng lực cạnh tranh kinh tế, phòng chống và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, an ninh môi trường, khắc phục hậu quả chiến tranh và chất da cam.

Việt Nam có tầm nhìn phát triển riêng và đã triển khai trong nhiều năm qua. Các ưu tiên phát triển của Việt Nam được nêu rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020Mục tiêu cao nhất của Chính phủ Việt Nam là chuyển từ quốc gia thu nhập trung bình thấp sang quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhấn mạnh đến việc tiếp tục tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình và theo hướng công nghiệp 4.0. Chiến lược tiếp tục được triển khai thông qua Khung chính sách phát triển kinh tế Việt Nam 2018 trong đó nêu rõ 5 lĩnh vực cải cách chính nhằm đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Đồng thời hướng trọng tâm vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân và ghi nhận rằng bền vững về môi trường và cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng liên tục và bền vững. Những ưu tiên này đã được củng cố trong các kế hoạch bổ sung khác của Chính phủ Việt Nam, bao gồm Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Việt Nam 2035. Chiến lược của USAID sẽ gắn với dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ Việt Nam về phát triển nền kinh tế bền vững, hiệu quả và bao trùm thông qua cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo ra một nền tảng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ tạo ra các kết nối, đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân, tăng cường hiệu quả khung quy định về môi trường và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của nhà nước thông qua các thể chế hiện đại và quản trị hiệu quả.

USAID cam kết và hỗ trợ hành trình tiến tới tự lực của Việt Nam như được thể hiện trong Lộ trình Quốc gia (Country Roadmap). Nhìn vào Lộ trình năm tài khóa 2020, Việt Nam nằm ở góc phần tư hướng đông bắc cho thấy mức độ cao về cam kết và năng lực. Mặc dù phần lớn các chỉ số đều cao, trong đó có chỉ số về sức khỏe trẻ em, nhưng Lộ trình lại không đo lường các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe như sự nổi lên của bệnh lao kháng thuốc, các đợt bùng phát cúm độc lực cao ở gia cầm và người và mối đe dọa tiếp diễn từ căn bệnh HIV trong các cộng đồng có nguy cơ cao. Ngoài ra, điểm số cao trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sống cũng chưa thể hiện được tình trạng sụt giảm đa dạng sinh học và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn đang tiếp diễn. Điểm số thấp nhất nằm ở chính phủ cởi mở và hiệu quả của truyền thông/các tổ chức trong nước.