Ngôn ngữ

2020 - 2025 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: DELOITTE CONSULTING LLP | NGÂN SÁCH: 36.251.254 ĐÔ LA

Việt Nam đã và đang nổi lên là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính tăng nhanh nhất thế giới tính theo bình quân đầu người, trong đó ngành năng lượng là nguồn phát thải lớn nhất. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo hướng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và dựa trên các nguyên tắc thị trường.

TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÁC HỆ THỐNG NĂNG LƯỢNG TIÊN TIẾN 

Chương trình V-LEEP II phối hợp với Chính phủ Việt Nam nhằm huy động đầu tư của khu vực tư nhân trong triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến như điện mặt trời áp mái và xe điện. Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật bao gồm hỗ trợ quá trình thiết kế dự án cho các nhà phát triển năng lượng sạch và hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyên môn cho các bên cho vay nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH NĂNG LƯỢNG 

V-LEEP II cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam cải thiện năng lực lập quy hoạch và các phương thức vận hành hệ thống điện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện. Dự án cũng hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII (QHĐ 8) cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tích hợp nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định vào lưới điện quốc gia.

THÚC ĐẨY CẠNH TRANH TRONG LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG 

V-LEEP II hỗ trợ thúc đẩy cạnh tranh và tính minh bạch trong quy trình đấu thầu thông qua hỗ trợ quá trình thiết kế và triển khai Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) đã được khởi xướng vào năm 2016 với hỗ trợ của USAID. Cơ chế này đặt nền móng cho người mua tư nhân có thể mua năng lượng tái tạo trực tiếp từ đơn vị phát điện tư nhân thông qua một cơ chế giao dịch tài chính trực tuyến thay vì phải mua qua một đơn vị trung gian là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - công ty điện lực nhà nước. Dự án cũng hỗ trợ tăng cường năng lực cho lực lượng lao động và chính quyền địa phương để lựa chọn các dự án đầu tư năng lượng trong quá trình triển khai QHĐ 8. 

THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, ƯƠM MẦM VÀ BAO TRÙM

Dự án cung cấp các khoản tài trợ giúp hiện thực hóa và thương mại hóa các phương thức tiếp cận đổi mới, sáng tạo và giúp huy động đầu tư của khu vực tư nhân vào các hệ thống năng lượng tiên tiến. Dự án cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng cải thiện quy trình tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân viên nữ và lãnh đạo nữ trong công ty. của họ.

TÁC ĐỘNG

Trong giai đoạn đầu của V-LEEP, dự án đã hỗ trợ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở Việt Nam với hơn 300 triệu đô la được huy động. Trên cơ sở thành công của giai đoạn đầu, V-LEEP II sẽ tham gia đóng góp vào quá trình thiết kế, huy động tài chính, xây dựng và vận hành các nguồn năng lượng sạch mới, bao gồm 2.000 megawatt (MW) năng lượng tái tạo và 1.000 MW nguồn điện từ khí đốt tự nhiên.

ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

Dự án hoạt động trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến xây dựng chính sách và hỗ trợ cho các dự án trên toàn quốc.

Share This Page