Ngôn ngữ

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên, Phó Tổng thống Kamala Harris đã công bố các hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm giúp Việt Nam tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng như những sáng kiến mới nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy một môi trường kinh doanh bao trùm tại Việt Nam, cải thiện giáo dục đại học và tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Dự kiến nguồn ngân sách dành cho những chương trình hỗ trợ mới này dành cho Việt Nam sẽ vào khoảng gần 100 triệu đô la.

COVID-19 và An ninh Y tế:

  • Hỗ trợ vắc-xin: Trên cơ sở nỗ lực của Chính quyền Biden-Harris nhằm đóng vai trò là ‘kho vắc-xin’ cho thế giới, Phó Tổng thống Harris công bố Hoa Kỳ sẽ tài trợ một triệu liều vắc-xin Pfizer cho Việt Nam, nâng tổng số vắc-xin mà Hoa Kỳ tài trợ cho Việt Nam lên 6 triệu liều. 

  • Hỗ trợ ứng phó COVID-19: Thông qua Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ (ARPA), USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó với COVID-19 với khoản tài trợ 4,5 triệu đô la nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng với nguồn vắc-xin COVID-19, đồng thời đảm bảo cung cấp vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả, củng cố hệ thống y tế của Việt Nam nhằm ứng phó với COVID-19, nâng cao năng lực phát hiện và  giám sát COVID-19 cũng như các mối đe dọa dịch bệnh khác trong tương lai. Ngoài ra, 1 triệu đô la cũng sẽ được cung cấp cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để triển khai chương trình cứu trợ khẩn cấp tại miền trung Việt Nam nhằm giảm thiểu tác động và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Chống Biến đổi Khí hậu

  • Tận dụng Vai trò của Khu vực Tư nhân trong Hành động Ứng phó với Biến đổi Khí hậu: USAID và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký Bản Ghi nhớ (MOU) về nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ tăng cường chính sách môi trường của Việt Nam. Bản ghi nhớ này sẽ giúp VCCI tăng cường những nỗ lực về tính bền vững, công nghệ xanh và biến đổi khí hậu. USAID dự định hỗ trợ VCCI xây dựng Chỉ số Xanh nhằm giúp các doanh nghiệp của Hoa Kỳ trong việc chọn ra các tỉnh/thành phố đang đầu tư vào hoạt động xanh. 

  • Mở rộng lĩnh vực Năng lượng Sạch và Xe điện: Chính phủ Hoa Kỳ công bố dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II (V-LEEP II), một dự án 5 năm do USAID tài trợ với ngân sách lên đến 36 triệu đô la nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một hệ thống năng lượng sạch, đảm bảo và theo định hướng thị trường. Dự án sẽ hỗ trợ cải thiện công tác quy hoạch năng lượng của chính phủ, nâng cao tính cạnh tranh để khuyến khích khu vực tư nhân của Hoa Kỳ tham gia cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời gia tăng số lượng các hệ thống năng lượng tái tạo và không phát thải. Dự án sẽ giúp Việt Nam mở rộng quy mô sử dụng xe máy điện và triển khai cơ chế Hợp đồng Mua bán Điện Trực tiếp (DPPA), qua đó cho phép doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo.

  • Bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Thông qua USAID, Chính phủ Hoa Kỳ khởi động dự án Bảo tồn Sinh cảnh Ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án mới sẽ thực hiện trong 3 năm với ngân sách 2,9 triệu đô la do Hiệp hội quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) triển khai. Mục tiêu của dự án là bảo vệ sinh cảnh ven biển trọng điểm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường tính bền vững trong đánh bắt thủy hải sản, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học.

Hỗ trợ Phát triển và Tiếp cận Thị trường

  • Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ và người dân tộc thiểu số làm chủ: Chính phủ Hoa Kỳ công bố dự án Nâng cao Năng lực Cạnh tranh của Khu vực Tư nhân (IPSC), một dự án tiêu biểu và quan trọng của USAID trị giá 36 triệu đô la với mục tiêu hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ và người dân tộc thiểu số làm chủ và thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở khu vực nông thôn thông qua áp dụng công nghệ mới của Hoa Kỳ.

  • Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế số: Chính phủ Hoa Kỳ công bố dự án Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp (WISE). Đây là dự án do USAID tài trợ với ngân sách gần 2 triệu đô la nhằm hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp sang một lực lượng lao động được trang bị tốt hơn để tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu. Phát triển kỹ năng số cho Việt Nam sẽ gia tăng các cơ hội giao thương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy và phổ biến các công nghệ của Hoa Kỳ.

Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Đại học

  • Hợp tác đổi mới giáo dục: USAID công bố dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học, một dự án kéo dài 5 năm với ngân sách 14,2 triệu đô la nhằm tăng cường công tác giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và quản trị tại ba trường đại học quốc gia lớn nhất Việt Nam. Với đối tác là các trường đại học và khu vực tư nhân của Hoa Kỳ, dự án sẽ giúp tăng cường các cơ hội kinh tế toàn diện cho gần 150.000 sinh viên Việt Nam nhằm hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập với tư cách là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ.

Khắc phục hậu quả chiến tranh

  • Hỗ trợ người khuyết tật: Thông qua USAID, Chính phủ Hoa Kỳ công bố hai dự án tài trợ mới với ngân sách khoảng 4 triệu đô la do các tổ chức trong nước của Việt Nam thực hiện nhằm hỗ trợ người khuyết tật. Hai dự án, cụ thể là dự án Tăng cường cơ hội và Nâng cao vị thế cho người khuyết tật II và dự án Hãy Nắm Tay Tôi II sẽ hỗ trợ người khuyết tật thông qua cải thiện chất lượng sống và thúc đẩy hòa nhập xã hội. Là một trong những sáng kiến ​​lâu đời nhất của Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ban đầu được thực hiện trong khuôn khổ Quỹ Nạn nhân Chiến tranh của Thượng Nghị sĩ Leahy và từ lâu đã trở thành một yếu tố cốt lõi trong tăng cường hợp tác song phương giữa hai quốc gia.