Ngôn ngữ

2021 - 2024 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: LIÊN MINH QUỐC TẾ VỀ BẢO TỒN THIÊN NHIÊN (IUCN)| NGÂN SÁCH DỰ TRÙ: 2.900.000 ĐÔ LA

Đồng bằng sông Cửu Long và các cụm đảo xung quanh là nơi sinh trưởng của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long, khu vực này trở thành môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam đồng thời bảo vệ cộng đồng ven biển trước triều cường do bão. 

Tuy nhiên, những khu vực sinh cảnh này và nhiều loài thuỷ sản có ý nghĩa thương mại quan trọng (như cá chẽm và cá hồng) phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng lớn. Các khu rừng ngập mặn của đồng bằng đang bị thu hẹp lại và tình trạng đánh bắt tận diệt đang gây ra những tác động tàn phá lên hệ sinh thái. Những tác động khác từ biến đổi khí hậu như hạn hán kéo dài và nhiệt độ trung bình môi trường tăng cao đang đe dọa đến sản lượng tôm, buộc các hộ nuôi tôm phải bơm nước ngầm pha vào ao nuôi để giảm nhiệt độ nước, dẫn đến hậu quả sụt lún đất và mất rừng ngập mặn nhanh hơn so với trước đây. Những tác động này không chỉ làm giảm thu nhập của cộng đồng sống tại Đồng bằng sông Cửu Long mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tập quán lâu đời của cư dân nơi đây.

Dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ có mục tiêu hỗ trợ giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như tăng cường khả năng chống chịu của vùng ven biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các đối tác phối hợp thực hiện bao gồm: Chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương các tỉnh dự án, doanh nghiệp, ban quản lý các khu bảo tồn, các đối tác phát triển và cộng đồng ngư dân.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NGUỒN LỢI BIỂN

Tại tỉnh Kiên Giang, dự án áp dụng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại ba cụm đảo nhỏ thuộc vùng biển Tây (Hải Tặc, Ba Lụa và Nam Du) và tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm đưa ra các đề xuất cụ thể giúp tăng cường quản lý nguồn lợi biển. Dự án có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương và sự hợp tác của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại các cụm đảo này cũng như tại Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy và điều phối nguồn đầu tư tư nhân cho các hoạt động bảo tồn biển và các loài quý hiếm tại quần đảo Phú Quốc.

KHÔI PHỤC VÀ BẢO VỆ RỪNG NGẬP MẶN

Tại tỉnh Sóc Trăng, dự án sẽ nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp khôi phục và bảo vệ rừng ngập mặn với mục đích vừa cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản vừa bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển ven bờ, bao gồm cả việc mở rộng diện tích rừng ngập mặn phía trong các đê biển.

TÁC ĐỘNG

Theo mong đợi, dự án sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý các nguồn lợi biển nhằm giảm thiểu các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU), đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học khu vực ven biển tại Đồng bằng sông Cửu Long và tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng địa phương sống ở ven biển.

ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

Dự án triển khai ở hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng.

Share This Page